Kinh tế Venezuela

Bài chi tiết: Kinh tế Venezuela

Công nghiệp dầu mỏ là ngành kinh tế đóng góp nhiều nhất cho kinh tế Venezuela, tới 1/3 GDP, 80% giá trị xuất khẩu và hơn một nửa ngân sách nhà nước. Đất nước này có một nguồn dự trữ dầu mỏkhí đốt to lớn và hiện nay, Venezuela là một trong 10 nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới[18]. Những mỏ dầu chính của Venezuela nằm tại khu vực hồ Maracaibo, vịnh Venezuela và vùng châu thổ sông Orinoco. Do được chính phủ trợ cấp, Venezuela là một trong những nước có giá xăng dầu rẻ nhất thế giới. Tuy nhiên những lên xuống thất thường của giá dầu trên thị trường thế giới cũng như các cuộc khủng hoảng chính trị, đình công luôn đe dọa đến ngành kinh tế nhạy cảm này của Venezuela. Chính phủ Venezuela đang tìm cách làm đa dạng hóa nền kinh tế và tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ của nước này. Tính đến năm 2016, GDP của Venezuela đạt 333.715 USD, đứng thứ 32 thế giới và đứng thứ 4 khu vực Mỹ Latinh.

Từ thập niên 1950 đến thập niên 1980, Venezuela là một trong những cường quốc kinh tế tại Mỹ Latinh. Thu nhập bình quân của nước này gia tăng nhanh chóng đã thu hút rất nhiều lao động từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên khi giá dầu thế giới giảm mạnh trong thập niên 1980, nền kinh tế Venezuela đã bị một phen điêu đứng. Trong những năm sau đó,[khi nào?] giá dầu trên thị trường thế giới đã tăng trở lại và tạo điều kiện phục hồi cho nền kinh tế Venezuela. Năm 2007, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này là 8,4%. Thu nhập bình quân đầu người là 12.200 USD[19]. Dưới sự điều hành của Hugo Chavez tỷ lệ lạm phát đã tăng 30,9% năm 2008 và tăng 25,1% trong năm 2009 cao nhất trên toàn khu vực châu Mỹ. Mức lạm phát của Venezuela cao hơn rất nhiều 1 nước cũng thường hay bị lạm phát rất cao là Argentina. Trong khi cùng bị khủng hoảng kinh tế như Venezuela nhưng tỷ lệ lạm phát của Argentina chỉ từ 7-15% năm 2009. Kinh tế Venezuela năm 2009 theo thông báo chính thức đã giảm 2,9%.

Quang cảnh thành phố Caracas

Hugo Chavez đã thực hiện quốc hữu hóa tài sản của các tập đoàn Cargill Inc., Gruma SAB và hãng bán lẻ của Pháp là Casino Guichard Perrachon nhằm kiểm soát các chuỗi sản xuất và phân phối thực phẩm. Trong tháng 8, giá lương thực tăng 0,9% so với tháng 7 trong khi mức tăng hàng tháng là 12,5% của tháng 4. Cũng trong tháng này, tỉ lệ lạm phát của mặt hàng lương thực đã giảm xuống nhưng vẫn còn tới 39,5%. Trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, nền kinh tế Mỹ Latinh này đã tăng trưởng chậm lại quý thứ 5 liên tiếp và đang phải trải qua thời điểm khốn đốn với tình trạng lạm phát khi giá tiêu dùng liên tục tăng kể cả khi nhu cầu giảm xuống.[20]

Mặc dù là một quốc gia nhiều tài nguyên thiên nhiên nhưng việc phân bố tài sản tại Venezuela lại không đồng đều, khiến cho đời sống một bộ phận lớn dân nghèo gặp nhiều khó khăn. Dưới sự lãnh đạo của tổng thống Hugo Chavez, tỉ lệ người nghèo trong những năm sau đó tại Venezuela đã giảm đáng kể, từ mức 49% năm 1998 xuống còn 12,3% năm 2007[21].

Các chương trình trợ cấp của Chavez như duy trì giá xăng ở mức dưới 0,1 USD/gallon (tương đương hơn 500 VND/lít), làm các nguồn tài nguyên của Venezuela bị phung phí trong khi các doanh nghiệp tư nhân không dám tăng mức đầu tư do lo ngại về những vụ quốc hữu hóa và sung công thường hay xảy ra bất ngờ thời Chavez khiến nền kinh tế càng thêm khó khăn giữa lúc tốc độ tăng trưởng trì trệ mà tỷ lệ lạm phát lại cao.[22]

Hugo Chavez cũng không diệt trừ được tham nhũng. Bằng cách cho giới quân sự quản lý bộ máy ngân sách cồng kềnh, ông Chavez đã tạo điều kiện cho tham nhũng lan rộng ngay trong giới quân sự. Cải cách tư pháp thì chưa đâu vào đâu. Các thể chế mới không đem lại điều gì ngoài việc đẻ ra một loạt chức sắc bất tài do ông chỉ định. Đường lối kinh tế khiến cho Venezuela càng phụ thuộc hơn nhiều vào dầu mỏ và đưa tới một loạt chính sách thắt lưng buộc bụng. Giá trị đồng tiền giảm đáng kể cũng là một hậu quả của việc này.

Những hãng sản xuất hàng tiêu dùng khổng lồ như Colgate-Palmolive hay Avon từng nỗ lực chiếm lĩnh thị trường Mỹ Latinh với các sản phẩm chủ lực như kem đánh răng, son môi. Nhưng công sức bấy lâu của họ có nguy cơ trôi ra sông ra biển khi Venezuela phá giá đồng nội tệ từ mức 2,15 bolivar ăn 1 USD xuống còn 4,3 bolivar ăn 1 USD. Đi đôi với quyết định phá giá đồng nội tệ, chính quyền Venezuela phải huy động cả quân đội để kiểm soát tình trạng tăng giá bán tại các cửa hàng. Bất chấp mọi nỗ lực của chính phủ, trong vòng 5 năm tỷ lệ lạm phát của nước này lên tới tổng cộng 160%.[23]

Venezuela hy vọng lần phá giá đầu tiên kể từ 2005 này sẽ giúp nguồn thu chính phủ tăng lên, hạn chế nhập khẩu và tăng nguồn thu từ xuất khẩu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đây không phải là giải pháp tốt về lâu dài. Nền kinh tế Venezuela, vốn một thời phát triển bùng nổ, nay cần những chính sách kích thích đầu tư tư nhân. Hãng đánh giá tín nhiệm Fitch cũng bày tỏ thái độ lo lắng: "Công việc kinh doanh tại Venezuela hiện đối mặt với nhiều căng thẳng liên quan đến thay đổi chính sách, môi trường kinh tế vĩ mô không ổn định, cơ cấu quản lý giá và sự bế tắc trong ngành năng lượng. Tất cả những yếu tố này làm chùn chân các nhà đầu tư".[24] Ngành khai thác dầu thô, ngành công nghiệp quan trọng nhất của Venezuela, đang gặp khó khăn nghiêm trọng vì tổng thống Hugo Chávez đã quốc hữu hóa các công ty dầu mỏ nước ngoài, cố gắng khai thác quá mức từ công nghiệp dầu mỏ để tài trợ cho những chương trình trợ cấp của ông trong khi không tái đầu tư đúng mức do đó đã hy sinh khả năng phát triển của ngành này khiến sản lượng khai thác được ngày càng thấp do hạ tầng công nghiệp dầu mỏ đang xuống cấp quá nhanh. Hiện ngành công nghiệp này đang gặp khủng hoảng đẩy toàn bộ nền kinh tế Venezuela vào khủng hoảng vì nước này quá phụ thuộc vào dầu mỏ.[25][26]

Về năng lượng, những con sông ở Venezuela đã cung cấp một lượng lớn thủy điện cho nhu cầu tiêu dùng điện năng của nước này. Hiện nay, 73% công suất phát điện của Venezuela phụ thuộc vào hệ thống thuỷ điện, còn hệ thống nhiệt điện lại đang hoạt động dưới mức công suất mà không có khả năng tăng lên, mặc dù nước này thuận lợi về nhiệt điện. Đồng peso tiếp tục rớt giá còn 6,3 peso ăn một đôla vào ngày 25-1-2010. Trong khi tỷ giá kép mà chính phủ đưa ra vào đầu tháng là 2,6 và 4,3 peso ăn một đôla.

Người dân đã tổ chức những cuộc phản đối mạnh mẽ hơn. Cùng với nguyên nhân thiếu hụt điện nước, những người phản đối cũng nói đến tình trạng mất kiểm soát đối với tội phạm khiến cho Venezuela đang có tỷ lệ tội phạm cao nhất thế giới. Người biểu tình án ngữ trong sân vận động khi diễn ra một trận đấu bóng chày để kêu gọi ông Chavez từ chức. Người biểu tình đã giương cao khẩu hiệu đậm chất thể thao: "Chavez, ông đã bị loại!" [27]

Sau cái chết của Chávez, Nicolás Maduro đã trở thành tổng thống của Venezuela sau khi đánh bại đối thủ của mình là Henrique Capriles Radonski chỉ với 235.000 phiếu bầu, tỷ lệ chênh lệch là 1,5%.[28] Maduro tiếp tục duy trì hầu hết các chính sách kinh tế của người tiền nhiệm Chávez. Khi nhậm chức tổng thống, Maduro đã phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao và tình trạng thiếu hụt hàng hóa tiêu dùng trên cả nước,[29][30] những vấn đề bắt nguồn từ các chính sách của Chávez.[31]

Maduro đổ lỗi cho đầu cơ tư bản đã thúc đẩy tỷ lệ lạm phát cao và gây ra sự thiếu hụt phổ biến các nhu yếu phẩm cơ bản tại Venezuela. Ông ta nói rằng ông ta đang chiến đấu trong một "cuộc chiến kinh tế", coi các biện pháp kinh tế mà ông ta mới ban hành là "đòn phản công kinh tế" chống lại các đối thủ chính trị của ông ta, Maduro thậm chí còn cáo buộc những đối thủ của mình đang đứng sau một "âm mưu kinh tế quốc tế" [32][33][34][35][36][37]. Tuy nhiên, Maduro đã bị chỉ trích vì chỉ tập trung vào dư luận, mà không hề quan tâm đến các vấn đề thực tế mà các nhà kinh tế đã cảnh báo hoặc có bất kỳ ý tưởng gì để cải thiện tình trạng khó khăn của nền kinh tế Venezuela [38][39].

Vào năm 2014, Venezuela chính thức lâm vào suy thoái kinh tế [40] và đến năm 2016, quốc gia này có tỷ lệ lạm phát là 800%, tỷ lệ cao nhất trong lịch sử [41][42]. Quỹ tiền tệ quốc tế dự báo tỉ lệ lạm phát ở Venezuela sẽ là 1.000.000% vào năm 2018 [43][44].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Venezuela http://www.lanacion.com.ar/1684248-maduro-insiste-... http://www.bloombergview.com/articles/2015-01-02/n... http://edition.cnn.com/2013/03/06/business/venezue... http://edition.cnn.com/2013/11/20/world/americas/v... http://money.cnn.com/2016/04/12/news/economy/venez... http://money.cnn.com/2016/12/12/news/economy/venez... http://www.el-nacional.com/economia/Primera-ofensi... http://internacional.elpais.com/internacional/2015... http://www.eluniversal.com/noticias/daily-news/cha... http://www.infoplease.com/ipa/A0777460.html